Cũng như đối với phần đông người Afganistan, ông không được phép vượt qua biên giới Pakistan. Việc ông có một gia đình, một ngôi nhà và công việc của ông ở bên ấy, con gái ông đi học bên ấy, chẳng làm thay đổi chút nào tình hình - ông không được nghênh tiếp. Chịu sức ép của cộng đồng quốc tế, Pakistan đã đóng cửa biên giới, nhằm ngăn bọn khủng bố và du kích taliban chạy trốn vào nước này. Biện pháp vô dụng, vì bọn khủng bố và binh lính không có thói quen trình diện ở đồn biên phòng tay cầm hộ chiếu. Chúng đi cùng những con đường mòn Sultan vẫn dùng khi ông sang giao dịch bên ấy. Như vậy đấy, mỗi ngày có hàng nghìn người từ Afganistan đổ sang Pakistan.
Các con ngựa nhọc nhằn leo núi. Sultan, cao lớn và kềnh càng, cưỡi ngựa không có yên. Dẫu đã khoát bộ quần áo cũ nhất, trông ông vẫn có vẻ ăn mặc đàng hoàng, chòm râu vẫn cắt gọn như bất cứ lúc nào, chiếc mũ dấu đội ngay ngắn trên đầu. Ngay cả khi hoảng hốt kìm chặt cương ngựa, trông ông vẫn có vẻ một con người phong nhã đi dạo chơi vùng núi để ngắm cảnh. Nhưng cách ngồi lưng ngựa của ông không vững, chỉ cần một bước hụt chân là có thể ngã ngay xuống vực. Về phần nó, con ngựa lặng lẽ bước đi trên những con đường đã quen, chẳng quan tâm gì đến người đang ngồi trên lưng. Sultan quấn chặt cái túi đường quý giá vào tay. Trong túi chứa những cuốn sách ông định in lậu cho hiệu sách của ông và bản phác thảo cái văn kiện ông hy vọng sẽ là bản hợp đồng của đời ông.
Phía sau ông là những người Afganistan đang muốn đi vào cái đất nước đã đóng cửa này. Những người phụ nữ cưỡi ngựa, đi thăm họ hàng, những cậu sinh viên trở lại trường đại học Peshawar sau khi đã dự lễ aùd cùng gia đình, cũng có thể có đôi người đi làm công việc giao dịch. Sultan chẳng có gì phải lo lắng. Ông nghĩ đến bản hợp đồng của mình, chăm chú vào dây cương và nguyền rủa nhà cầm quyền Pakistan. Trước hết là một ngày đi xe hơi từ Kaboul đến biên giới, sau đó là một đêm nghỉ lại bẩn thỉu ở biên giới, rồi trọn một ngày cưỡi ngựa, đi bộ và đi xe mui trần. Đi theo đường chính, từ biên giới đến Peshawar chỉ mất một tiếng đồng hồ. Sultan cảm thấy mất phẩm giá khi phải nhập cảnh lậu vào Pakistan, bị coi là hạng người hạ đẳng. Ông cho rằng sau tất cả những gì người Pakistan đã làm cho chế độ taleb – giúp đỡ tài chính, vũ khí, ủng hộ về chính trị – họ đã tỏ ra giả dối khi đột ngột quay sang làm tay sai cho Hoa Kỳ và đóng cửa biên giới đối với người Afganistan.
Ngoài A Rập Xê-út và Các Tiểu Vương Quốc A Rập Thống nhất, Pakistan là nước duy nhất công nhận chế độ taleb. Nhà cầm quyền Pakistan mong muốn người pachtoun giữ quyền kiểm soát Afganistan bởi vì đấy là một tộc người sống ở cả hai phía biên giới và chịu ảnh hưởng thật sự của Pakistan. Bọn taliban, hầu hết là người pachtoun, là tộc người quan trọng nhất ở Afganistan và chiếm gần bốn mươi phần trăm dân số. Về phía Bắc, người tadjik đông hơn. Khoảng một trong bốn người Afganistan là người tadjik. Liên minh Phương Bắc đã chiến đấu một cách cay đắng chống lại taliban và được sự ủng hộ của người Mỹ sau ngày 11 tháng Chín, gồm trước hết là người tadjik, tộc người mà người Pakistan ngờ vực. Từ khi taliban sụp đổ, người tadjik đã có được rất nhiều quyền lực trong chính phủ, nhiều người Pakistan cho rằng như vậy là họ bị kẻ thù bao vây bốn phía, ấn Độ phía đông và Afganistan phía tây.