Ông biết rằng ông đã khiêu khích người em họ của mình, nhưng đối với Sultan lao động là điều quan trọng nhất. Đấy là điều ông cố gắng khắc sâu vào tâm trí các con ông, đấy là nguyên tắc chỉ đạo cuộc đời ông. Đấy là lý do vì sao ông đã bắt các con ông ngừng đến trường và để cho chúng làm việc trong các cửa hàng của ông, để chúng giúp ông xây dựng một đế chế.
- Nhưng đi đến Mecca là một trong năm cột trụ của đạo Hồi, người em họ ông phản đối. Muốn trở thành một người Hồi giáo tốt, phải tin Thượng Đế, cầu nguyện, nhịn ăn, bố thí và đi đến Mecca[11].
- Cũng có thể là chúng ta đi đến Mecca, Sultan kết luận. Nhưng lúc ấy chúng ta phải xứng đáng với điều đó, chúng ta phải đến đó để cám ơn, chứ không phải để cầu xin.
Lúc này, hẳn Wahid đang trên đường đi đến Mecca, với đôi găng tay trắng của người hành hương, Sultan nghĩ thầm. Ông cười khẩy và lau mồ hôi trên trán. Mặt trời đứng bóng. Cuối cùng con đường mòn đã bắt đầu đổ dốc. Trên một lối đi của súc vật trong một thung lũng nhỏ, những chiếc xe mui trần đang đứng chờ. Những chiếc taxi của Khyber Pass[12]. Đưa những vị khách không mời mà đến vào đất nước này, ông chủ của chúng thu được khá tiền.
Ngày xưa một con đường tơ lụa đã đi qua đây, con đường buôn bán giữa các nền văn minh lớn thời bấy giờ, Trung Hoa và La Mã. Tơ lụa được chuyển sang phương tây còn vàng, bạc và len thì chở sang phương đông.
Trong hơn một nghìn năm, những kẻ không được ưa thích đã đi qua KhyberPass. Người Ba Tư, người Hy Lạp, người Nguyên Mông, người Mông Cổ, người Afganistan và người Anh đã tìm cách chinh phục ấn Độ bằng cách đưa quân đội của họ đi qua đây. Vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, Darius, vua Ba Tư, chiếm phần lớn Afganistan và băng qua Khyber Pass tiếp tục tiến đến tận sông Indus. Hai trăm năm sau, các vị tướng của Alexandre Đại Đế dẫn các đoàn quân của mình qua Khyber Pass, ở chỗ hẹp nhất của nó chỉ một con lạc đà chất nặng hay hai con ngựa bước song song có thể đi qua. Gengis Khan đã tàn phá một phần con đường tơ lụa, trong khi những du khách hòa bình hơn, như Marco Polo, thì chỉ đi theo vết những đoàn người đổ về phương đông. Từ thời Darius cho đến lúc người Anh đi qua đây, các đoàn quân xâm lược luôn vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của các bộ lạc pachtoun sống ở các vùng lân cận. Từ khi người Anh rút đi vào năm 1947, các nhóm người đó lại kiểm soát lối đi này và vùng đất đến tận Peshawar. Mạnh nhất là nhóm Afridis, với những chiến binh đáng sợ.
Vũ khí vẫn là thứ ta nhìn thấy ngay sau khi vượt qua biên giới. Dọc theo con đường chính về phía đất Pakistan, đều đặn hiện những chữ Khyber Rifles, khắc trên đá hay viết trên các tấm biển bẩn thỉu giữa quang cảnh trần trụi. Khyber Rifles là tên một loại súng, mà cũng là tên của đội cảnh binh tộc người thiểu số đảm bảo an ninh vùng này. Tộc người này có những thứ quan trọng phải được bảo vệ. Ngôi làng nằm ngay phía bên kia biên giới nổi tiếng vì cái chợ buôn lậu của nó, tại đó haschich[13] và vũ khí được bán với giá rẻ. ở đây không ai hỏi giấy phép mang vũ khí, nhưng đi vào lãnh thổ Pakistan với vũ khí trên người thì có nguy cơ bị phạt tù nhiều năm.