m khắc. Nàng ngồi trong xe, mắt nhắm nghiền, lặng thinh. Họ tránh những dinh cơ giàu có.Một hôm, người dẫn đường, ngồi bên người xà ích, ngón tay cóng đút vào ống tay áo hẹp của chiếc áo lông cừu, bỗng nhớn nhác, từ trên đỉnh đồi chỉ xuống mái ngói của một ngôi nhà thờ sừng sững bên đường. Antip thò đầu vào trong xe nói:- Vaxili Vaxilievich. Chúng ta sẽ buộc phải dừng lại ở đây. Họ được biết là ngôi nhà thờ nầy thờ thánh Jhon Nepomuc, do lãnh chúa Boreiko lừng danh xây dựng.Thân hình phì nộn, tính tham ăn phàm uống và cái đức hiếu khách của Boreiko đã trở thành ngạn ngữ. Chỗ ở của ông ta xa đường cái, bên kia một khu rừng âm u. Để mời các bạn rượu cho được dễ dàng, ông ta đã cho xây ngôi nhà thờ nầy ngay bên đường: một toà nhà trong có bếp và một hầm rượu, một toà nhà khác có phòng ăn. Một thầy tu, dòng thánh Françoise, bụng phệ và vui tính ở liền tại đó. Lão làm lễ; những giờ nhàn rỗi, lão đánh bài với lãnh chúa; cả hai cùng rình đợi khách qua đường.Dù là ai đi nữa, một lãnh chúa quan trọng, một vị quý tộc vô tư lự đã bán đến chiếc mũ cuối cùng để uống rượu, hoặc một gã lái buôn của một thị trấn nhỏ, gia nhân của lãnh chúa Boreiko cũng chăng dây thừng chặn đường. Lãnh chúa Boreiko, lạch bạch như con vịt, hơi thở khò khè, mời khách qua đường một cốc rượu, trong lúc đó bọn gia nhân đã vội vã tháo ngựa; ông khách sợ sệt bị lôi vào nhà thờ, lão thấy tu tụng bài kinh trước bữa ăn, và thế là tiệc tùng bắt đầu. Lãnh chúa Boreiko chẳng làm gì hại khách nhưng không để cho ai ra đi đói bụng: có người bất tỉnh nhân sự phải khiêng ra xe; có người không hồi tỉnh lại được, đã trút linh hồn trong khi lão thầy tu tụng kinh làm lễ xá tội- Làm thế nào bây giờ, Vaxili Vaxilievich? - Antip hỏi.- Rời khỏi đường cái và cho ngựa phóng băng qua đồng.Rõ ràng là các lãnh chúa Ba Lan chỉ có một ý nghĩa trong đầu: ăn chơi. Tưởng chừng như tất cả giới quý tộc Ba Lan chỉ có chè chén không phải lo nghĩ gì.Tại các làng xã và các thị trấn, bất cứ nhà nào hơi bề thế một chút đều để ngỏ rộng cửa; trên thềm, một số quý tộc say khướt ca hát om xòm. Trái lại, tại các thành phố, đường xá sạch sẽ, có nhiều cửa hiệu, quầy hàng đẹp đẽ. Bên trên các cửa hàng và các hiệu cắt tóc, bên trên các xưởng thợ thủ công, có những bảng hiệu tô màu rực rỡ treo ngang đường: khi thì là một bà mặc áo ngắn, khi thì là một hiệp sĩ cưỡi ngựa, hoặc một cái chậu cạo râu bằng đồng. Trên ngưỡng cửa, một người Đức đon đả tươi cười, miệng ngậm tẩu bằng sứ, hoặc một người Do Thái mặc áo bông lành lặn, nhũn nhặn mời khách quá bộ vào cửa hàng, ngó qua một chút. Không như ở Moskva, bọn lái buôn thường túm vạt áo khách lôi vào một cửa hiệu tồi tàn, chỉ có những hàng hoá hư hỏng mà giá thì đắt vô chừng; ở đây vào bất cứ cửa hiệu nào, khách cũng phải choáng mắt. Nếu khách không có tiền, chủ hiệu sẽ bán chịu.Càng tới gần biên giới Livoni thì các thị trấn càng nhiều. Cối xay gió quay cánh trên các ngọn đồi. Trong làng, người ta đã chở phân ra đồng. Bầu trời xám báo hiệu xuân đến. Mắt Xanka lại long lanh. Đã tới gần Krazburg. Nhưng một sự kiện không ngờ xảy ra.Tại quán ăn, viên dapife Piotr Andreevich Tolstoy đang nằm nghỉ sau vách.