iện thoại nằm trong một chiếc tủ nhỏ bên cạnh lò sưởi. Tôi nhắc ống nghe và nghe giọng Emilia "Em rất tiếc, nhưng trưa nay, anh phải đi ăn đâu đó ở ngoài thôi, em phải về nhà mẹ". "Nhưng sao em không cho anh biết trước?" "Em không muốn quấy rầy anh trong lúc anh đang làm việc". "Được thôi, anh đi ăn ở tiệm vậy". "Chiều nay chúng mình sẽ gặp nhau lại, anh nhé" Emilia cúp máy, và tôi bước về lại bên Pasetti. "Ricardo", hắn nói ngay lập tức "Ông không ăn cơm trưa ở nhà phải không?" "Không, tôi đi ăn tiệm". "Nào, ở lại dùng bữa với chúng tôi, có gì ăn nấy, tất nhiên, nhưng chúng tôi vui lắm đấy". Một cảm giác chán chường tràn ngập lòng tôi khi nghĩ đến nỗi phải đi ăn thui thủi một mình ở tiệm, có lẽ vì tôi đang háo hức định thông báo cho Emilia biết về việc vừa hoàn tất kịch bản. Lẽ ra, tôi cũng không nên làm như thế, vì, như đã nói, nàng chẳng hề quan tâm đến những gì tôi làm, nhưng có lẽ điều đó đã từng là thói quen trước đây của tôi. Lời mời của Pasetti làm tôi vui thích và tôi đã nhận lời gần như với lòng biết ơn. Trong lúc đó, Pasetti đã khui hai chai rượu, và với cung cách của một dược sĩ cân đo các liều lượng thuốc men hơn là của một tay sành rượu, hắn rót rượu gin và rượu vermouth vào một cái bình đong rồi mới chuyên hết vào trong cái bình lắc. Bà Pasetti, như thường lệ, không rời mắt khỏi chồng. Sau cùng, khi Pasetti đã lắc kỹ cái món cốc tai ấy, và chuẩn bị rót ra ly, bà nói "Cho em đúng một giọt thôi. Và cả anh nữa, Gino ạ, đừng uống nhiều quá, có hại đấy". "Nhưng có phải ngày nào cũng hoàn tất một kịch bản đâu?" Hắn rót đầy hai ly, trong chiếc thứ ba, hắn rót một tí, theo lời yêu cầu của bà vợ. Cả ba chúng tôi cầm ly và nâng lên chúc mừng "Chúc mừng một trăm kịch bản như thế này nữa!" Pasetti nói. Hắn chỉ nhúng môi vào ly rượu rồi đặt lại xuống bàn. Tôi uống một hơi cạn ly của tôi. Bà Pasetti nhấm từng hớp một, đoạn đứng dậy "Tôi phải xuống xem anh bếp cho chúng ta ăn cái gì đây…Xin mạn phép ông" Bà Pasetti bước ra, Pasetti ngồi vào chiếc ghế phủ vải hoa của vợ và chúng tôi bắt đầu tán gẫu. Hay đúng hơn, chính hắn nói, nhiều nhất là về kịch bản, và tôi lắng nghe, biểu lộ sự tán thưởng bằng vài câu khe khẽ, ít cái gật đầu, và bằng cách uống rượu. Ly của Pasetti luôn còn nguyên, hầu như chưa hết một nửa, phần tôi, tôi đã ba lần cạn ly. Chẳng rõ vì sao, tôi bỗng dưng cảm thấy khốn khổ và tôi uống với hy vọng cơn chếnh choáng sẽ xua tan cái cảm giác ấy đi. Nhưng tửu lượng của tôi vốn cao và món cốc tai của Pasetti quá nhẹ và pha quá nhiều nước. Vì vậy, ba hay bốn ly đó chẳng có hiệu quả gì khác, mà chỉ làm tăng thêm cảm giác đau khổ của tôi. Tôi tự hỏi "Sao ta khốn khổ thế này?" và tôi chợt nhớ ra rằng mối đau đầu tiên mới cách đây không lâu là giọng nói của Emilia tôi vừa nghe qua điện thoại, lạnh lùng, chừng mực, lãnh đạm và nhất là khác biết bao so với cái tên gọi Gino thần bí trong các câu nói của bà Pasetti. Nhưng tôi không thể phân tích một cách cặn kẽ hơn những ý tưởng của tôi vì bà Pasetti đã xuất hiện ở cửa và mời chúng tôi qua phòng ăn. Phòng ăn của Pasetti cũng giống như văn phòng và phòng khách của hắn, ngăn nắp, rẻ tiền, đồ đạc bằng gỗ đánh bóng đỏm đáng, bộ đồ ăn bằng