lại ở bếp và cho ăn: chẳng sai lần nào bao giờ. Nhưng hiện nay, thật khó mà lọt được vào nhà kẻ giàu có. Người ta đã trở nên đa nghi, lúc nào cũng dè chừng. Số người bỏ trốn để tránh tòng quân và công việc phục dịch quân đội, phục dịch các zemstvo(1), mỗi năm mỗi tăng, họ trốn vào rừng đi ăn cướp lẻ tẻ từng người một, hoặc từng bọn… Có những làng chỉ còn lại các cụ già và trẻ con. Nếu hỏi họ, họ trả lời: anh nầy ở dội long kỵ binh, anh kia được mộ đi xây thành đắp luỹ hoặc bị đưa đi Ural, còn anh kia vừa đây còn đứng chủ một cửa hiệu ở chợ, được mọi người kính nể và biết sợ Chúa, thì bây giờ đã bỏ vợ, bỏ đàn con thơ, cầm chuỳ đứng rình người qua đường trong khe, bên bờ đường cái.Đã nhiều lần, Fetka tự hỏi: theo bọn giặc đi ăn cướp chẳng phải tốt hơn ư? Fetka lý luận: làm gì, đi đâu? Không lẽ cứ lang thang dây đó mãi suốt đời, rồi cũng phải chán chứ… Nhưng Andrey không chịu nghe, hắn cứ khăng khăng: đi về miền Nam, hãy đi đến cùng trời cuối đất. Fetka vặn lại: "Được, thì đi, nhưng ở đó cũng vậy thôi, chẳng ai cho ta ăn không cả; ta sẽ phải làm đầy tớ cho bọn chủ trại Cô-dắc hoặc trở thành nông nô của một tên chúa đất, làm oằn lưng cho tên quỷ sứ đó. Còn như nếu đi ăn cướp một thời gian, chẳng bao lâu mỗi đứa có thể sẽ có một trăm rúp giấu trong lần lót mũ. Với số tiền như vậy, ta có thể đi buôn được. Bấy giờ thì chẳng thằng long kỵ binh nào, chẳng thằng lục sự nào, chẳng tên chúa đất nào có thể làm gì được ta, ta sẽ làm chủ cái thân ta".Có một lần, hồi đó vào mùa hạ, hai gã đang ngồi ở cánh đồng, trong buổi hoàng hôn. Một làn khói nhỏ bốc lên từ đám phân bò khô đang cháy, gió rít uốn cong các thân cây. Andriuska ngồi ngắm cảnh chiều tà: chỉ còn lại một dải nhợt nhạt ở chân trời.- Nầy Fedia, đây là điều tao muốn nói với mầy một lần cho trót… Một sức mạnh đang sống trong lòng tao, một sức mạnh hơn sức người… Tao nghe gió rít trong cành lá, và tao hiểu, tao hiểu rõ quá đón nỗi lòng tao đau như xé. Tao ngắm nhìn: đây là buổi chiều tà chạng vạng, buổi hoàng hôn, và tao hiểu hết, niềm vui và nỗi buồn trong lòng tao lớn đến nỗi tao những muốn bay bồng lên trời toả ra với ánh hoàng hôn đó. Ở quê tao, ở làng tao, có một gã dở người chăn ngỗng - Fetka vừa nói vừa cầm cành cây cời than đang tàn. - Nó cũng vậy, nó kể cho tao nghe những chuyện như thế, thật chẳng còn hiểu ra làm sao… Nó thổi sáo rất giỏi, sáo nó làm bằng ống sậy: cả làng đến nghe nó thổi sáo… khi ấy, người ta tìm nhạc công cho mồ ma Franx Lơfo ấy, mầy có tin thì tuỳ, người ta đã tuyển nó. Nầy Fedia, trước thành Narva, một nông nô của Boris Petrovich có kể chuyện tao nghe về một nước: nước Ý… Hắn nói với tao về những họạ sĩ bên đó. Hắn nói cho tao biết họ sống ra sao, làm việc như thế nào… Tao mong muốn làm một tên nô lệ hạng bét cho một hoạ sĩ như thế, tao sẽ nghiền thuốc vẽ cho ông ta. Fedia, công việc đó tao làm được… Tao lấy một tấm ván gỗ sồi nầy, đem xoa dầu nhờn rồi phết lên ván một lần nền… Tao nghiền thuốc vẽ trong những chén nhỏ, thứ thì hoà với dầu, thứ thì chế với trứng… Tao cầm lấy bút vẽ… - Golikov nói rất khẽ, tiếng nói của hắn không át được tiếng gió rít - Fedia, ngày bừng sáng rồi lại tắt, nhưng trên tấm gỗ của tao, ngày rực rỡ sáng mãi mãi… Đây là một ngọn cây, một cây phong, một cây thông, có gì là kỳ lạ? Nhưng hãy nhìn vào cây tao vẽ trên gỗ, mầy sẽ hiểu, mầy sẽ khóc…- Thế nước đó ở đâu?- Tao không biết, Fedia ạ… Phải đi hỏi thôi, người ta sẽ giải thích cho.- Ừ thì đi có sao đâu… Thế nào cũng được. Chú thích:(1) Cơ quan hành chính địa phương ở Nga, do giai cấp quý tộc và các tầng lớp hữu sản bầu ra dưới chế độ Sa hoàng.