Ông chỉ bày lên quầy một phần nhỏ các sách của ông. Phần lớn, gần mười nghìn bản, được giấu trong kho thành phố. Ông không thể để mất bộ sưu tập của ông, kết quả ba mươi năm lao động. Ông không thể để cho bọn taliban hay những binh lính khác tiếp tục hủy hoại linh hồn của đất nước Afganistan. Hơn nữa, ông còn có một kế hoạch bí mật, một ước mơ: khi không còn bọn taliban nữa và Afganistan đã có được một chính phủ đáng tin cậy, ông tự hứa sẽ hiến số sách của ông cho thư viện nghèo nàn của thành phố, nơi ngày trước trưng bày hàng chục vạn đầu sách. Hay cũng có thể ông sẽ mở thư viện của chính ông, tự ông sẽ giữ vai người thủ thư quả cảm.
Bị đe dọa tính mạng, Sultan Khan xin được thị thực đi Canada. Nhưng ông sẽ không bao giờ đến đó. Trong khi các bà vợ chuẩn bị chuyến đi và thu xếp hành lý, ông tìm ra đủ mọi lý do để trì hoãn. Hoặc là ông chờ sách, hoặc hiệu sách bị đe dọa, hoặc một người bà con vừa mất. Bao giờ cũng có một trở ngại nào đó.
Rồi đến ngày 11 tháng Chín. Khi bom dội xuống, Sultan chạy sang Pakistan ở cùng các bà vợ. Ông ra lệnh cho Yunus, một trong những người em trai chưa lập gia đình của ông, ở lại để trông nom các hiệu sách.
Khi bọn taliban sụp đổ, hai tháng sau các cuộc tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ, Sultan là một trong những người đầu tiên trở về Kaboul. Cuối cùng ông đã có thể bày đầy trên các quầy tất cả các cuốn sách ông yêu thích. Bán cho người ngoại quốc đi tìm của lạ những cuốn sách lịch sử trong đó các minh họa đã bị bôi nhọ nhem bằng bút dạ và đã được gỡ những tấm danh thiếp dán đè lên hình các sinh vật. Ông đã có thể trưng ra những cánh tay trắng nõn của hoàng hậu Saroya và khuôn ngực phủ kín vàng của đức vua Amanullah.
Một buổi sáng, ngồi trong gian hàng của ông, cốc trà bốc khói trên tay, ông ngắm nhìn Kaboul đang sống lại. Trong khi suy tính cách thực hiện ước mơ của mình, ông nhớ lại một câu trích dẫn của Ferdowsi, nhà thơ yêu thích của ông: “Để thành công trên đường đời, đôi khi phải là sói, mà đôi khi lại phải là cừu”. Đã đến lúc là sói.
Tội ác và trừng phạt
Từ tất cả các phía những hòn đá rít lên ném vào các cây cọc. Phần lớn đều trúng mục tiêu. Người đàn bà không thét lên, nhưng chẳng mấy chốc một tiếng rú vang lên từ trong đám quần chúng. Một người đàn ông lực lưỡng tìm được một hòn đá rất đẹp, to và đầy góc cạnh, ông ta ra sức ném, sau khi đã ngắm kỹ bà ta. Hòn đá trúng ngay vào giữa bụng bà, mạnh đến nỗi dòng máu tuôn ra đầu tiên buổi chiều hôm ấy thấm qua cả tấm burkha. Điều đó khiến quần chúng hoan hô vang dậy. Một hòn đá khác cùng cỡ trúng vào vai bà ta. Máu phun ra và tiếng hoan hô lại vang lên.
James A. Michenier, Đoàn người
Sharifa, người vợ bị ruồng bỏ, bị phế truất, sống ở Peshawar. Bà biết rằng Sultan sắp đến, nhưng ông chẳng thèm báo chính xác ông rời Kaboul khi nào, nên suốt ngày này qua ngày khác lúc nào bà cũng chờ ông.