Tuy vậy vẫn còn những bức tượng lớn của các vị vua và các ông hoàng Afganistan, cũng như các tượng Phật hàng nghìn năm tuổi và các tranh tường. Cũng giống như lúc chúng đến cửa hàng sách của Sultan, bọn lính liền ra tay. Trước những cặp mắt đẫm lệ của những người trông coi viện bảo tàng, quân taliban đập tan tành những gì còn lại của bộ sưu tập. Chúng vung rìu cho đến khi chỉ còn lại các chân bệ trơ trụi giữa đám bụi đá mù mịt và những mẫu đất sét. Trong một buổi, chúng đã triệt hạ những bằng chứng của một lịch sử hàng nghìn năm. Sau cuộc tàn sát, chỉ còn sót lại một câu trích dẫn từ kinh Coran ghi trên một tấm đá nhỏ có trang trí, mà viên bộ trưởng Bộ Văn hóa thấy có thể để yên.
Khi những tên đao phủ tàn sát nghệ thuật đó rút khỏi ngôi nhà đã bị ném bom, vốn đã nằm sát chiến tuyến suốt thời nội chiến, những người trông coi bảo tàng đứng lại giữa đống đổ nát. Họ kính cẩn nhặt lấy những mảnh vỡ, đặt chúng vào các thùng và dán nhãn ghi chú. Trong một số trường hợp, có thể nhận ra nguồn gốc của chúng: bàn tay của một bức tượng, lọn tóc của một bức khác. Rồi họ xếp các thùng dưới tầng hầm, hy vọng một ngày nào đó các bức tượng sẽ được phục chế.
Sáu tháng trước khi taliban sụp đổ, các bức tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan cũng bị đánh mìn. Có tuổi đến gần hai nghìn năm, đấy là tài sản văn hóa lớn nhất của Afganistan. Khối thuốc nổ mạnh đến nỗi chẳng còn nhặt được mảnh vụn nào.
Chính là dưới cái chế độ đó mà Sultan Khan thực hiện việc cứu lấy những mảnh của nền văn hóa Afganistan. Sau cuộc hỏa thiêu chỗ bục giao thông, ông được trả tự do nhờ lo lót và ngay trong ngày hôm đó ông đã đập vỡ cái niêm phong ở hiệu sách của ông. Đứng giữa những gì còn lại trong kho báu của mình, ông òa khóc. Với một cây bút dạ, ông vạch ngang dọc và bôi xóa lên tất cả các hình sinh vật in trong các cuốn sách lọt khỏi tay bọn lính. Như vậy còn hơn là thấy chúng bị đốt cháy. Cuối cùng ông nảy ra một ý hay hơn, và lấy những tấm danh thiếp của ông dán đè lên các hình ảnh. Bằng cách đó ông che chúng lại để sau này có thể lại khui chúng ra, vừa ký tên mình lên tác phẩm. Có thể đến một ngày nào đó ông sẽ được gỡ các tấm danh thiếp ấy ra.
Nhưng chế độ ngày càng trở nên tàn nhẫn hơn. Mỗi năm đường lối riết róng – và mục tiêu phải theo đúng các quy tắc của Mahomet – ngày càng được siết chặt hơn. Một lần nữa, Sultan lại bị bộ trưởng Bộ Văn hóa triệu lên.
- Một số người muốn hỏi đến tính mạng anh và tôi không thể che chở cho anh, ông ta giải thích.
Chính vào lúc ấy, mùa hè năm 2001, ông quyết định rời bỏ đất nước. Ông xin thị thực đi Canada cho mình, cho hai bà vợ, các con trai và cô con gái. Bấy giờ, hai bà vợ và các con ông sống ở Pakistan và chán ghét tình trạng lưu vong, nhưng Sultan biết rằng ông không thể từ bỏ các cuốn sách của ông. Ông hiện có ba hiệu sách ở Kaboul, người em út của ông làm ở một trong ba hiệu đó, cậu con trai cả của ông là Mansur, mười sáu tuổi, làm ở một hiệu khác, còn chính ông đứng hiệu thứ ba.