- Tất cả những điều đó thật ngu ngốc! Người duy nhất mà con đặt vào trong tình trạng nguy hiểm, chính là con.
Richard vụng về thử giúp cô gấp chiếc áo pull nhưng cô con gái đã thô bạo giật lại chiếc áo từ tay ông. Không bối rối, vị doanh nhân lấy trong chiếc túi có quai đeo bằng da cũ sờn ra một cuốn brochute được ép plastic và một tấm vé máy bay.
- Nghe này, người ta có nói với bố về một trung tâm mới ở Thụy Sĩ. Đó không hẳn là một bệnh viện tư, đó đúng ra là một nơi con có thể nghỉ ngơi...
- Con chán ngấy những nơi như thế rồi, bố ạ.
- Vậy thì chúng ta trở về nhà.
Chẳng mất công trả lời, Alyson bước vào nhà tắm rồi bật máy sấy tóc.
Richard nài nỉ thêm bằng cách cố nói to để át tiếng máy sấy tóc:
- Hãy nghe bố, Alyson...
Ông ngắt điện của chiếc máy sấy để cô con gái chú ý:
- Có một bác sĩ mới mà bố muốn con đến khám ở New York: Tiến sĩ Connor McCoy, một bác sĩ tâm lý hoạt động độc lập. Ông ấy đang thí nghiệm các phương pháp chữa bệnh mới và bố tin là ông ấy có thể giúp con.
- Bố biết gì không, bố? Con sẽ tự về nhà bằng taxi.
- Ít nhất con cũng nên đọc cuốn sách ông ấy viết, Richard vừa đề xuất vừa đưa cho con gái cuốn sách tâm lý học thần kinh.
Vì Alyson không phản ứng gì, Richard cho cuốn sách vào va li của con gái: Sống sót, do Connor McCoy viết.
Ông cũng bỏ thêm vào đó tấm danh thiếp và địa chỉ liên lạc của bác sĩ, rồi cầm lại chiếc túi có quai đeo và sửa soạn rời khỏi phòng. Trước khi đi, ông quay về phía Alyson lần cuối.
- Còn một điều nữa bố muốn nói với con. Bố muốn con biết trước khi báo chí cho con biết điều này.
Đột nhiên cảm thấy lo lắng, Alyson rời khỏi phòng tắm. Theo bản năng, cô cảm thấy đó là điều quan trọng.
- Điều gì hả bố?
- Bố sắp chết rồi.
* * *
Richard Harrison mắc bệnh Alzheimer
-15
Doanh nhân Richard Harrison, bảy mươi mốt tuổi, đã mắc bệnh Alzheimer, theo như người phát ngôn của ông, luật sư Jeffrey Wexler thông báo sáng qua.
“Ông Richard thực sự mắc căn bệnh này, luật sư Wexler khẳng định. Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện cách đây hai năm, nhưng Richard vẫn rất chủ động. Mặc dù đã bắt đầu quên một số thứ, nhưng ông hoàn toàn ý thức được điều gì sẽ xảy đến với mình và mỗi sáng vẫn tiếp tục thức dậy để làm việc.”
Chúng ta biết rằng đây là căn bệnh thoái hóa thần kinh cho đến ngày nay vẫn chưa thể chữa khỏi. Khi nghiên cứu khoa học còn chưa đạt được những tiến bộ quan trọng, trong vòng bốn mươi năm nữa sẽ có khoảng 15 triệu người Mỹ mắc căn bệnh này, trong khi hiện nay con số này là 14,5 triệu người.
* * *
2005
Một đêm mùa thu ở Las Vegas.
Vẻ bực bội, Russel Malone, viên quản lý khách sạn Oasis, lướt nhanh qua gian tiền sảnh khổng lồ bằng đá cẩm thạch và thủy tinh để chạy ra cầu thang máy ở hành lang. Ông ta lao vào buồng thang máy trong suốt, chiếc thang lao vút lên không trung theo chiều thẳng đứng trên khoảnh sân trong trung tâm rộng mênh mông, nơi kết hợp giữa sự hoang tưởng tự đại và việc lạm dụng yếu tố xa xỉ, người ta đã tái hiện theo kích thước thực một số công trình La Mã như: đài phun nước Trevi, cổng Titus, thậm chí cả một phần đấu trường Colisée. Thang máy đưa Russel đến tầng thứ ba mươi rồi tầng cao nhất: tầng của dãy buồng sang trọng nhất. Ông ta dừng lại trong giây lát trước căn hộ mà Alyson Harrison thuê. Rất nhiều khách hàng đã xuống quầy lễ tân phàn nàn về tiếng ồn ầm ĩ từ phòng cô gái thừa kế tập đoàn Green Cross phát ra. Quả thực vừa đến hành lang, người ta đã nghe thấy tiếng nhạc dội tới tận cuối hành lang. Russel nhận ra giọng ca của Kurt Cobain: The Man who Sold the World, bản phối khí lại bài hát của David Bowie do ban nhạc rock Nirvana trình diễn trên chương trình truyền hình huyền thoại MTV Unplugged. Trong tích tắc, ông nhớ lại những năm tháng ở trường đại học và nhớ đến Joana, người bạn gái cũ đã tặng ông đĩa nhạc này. Vào thời đó, ông là con người hạnh phúc và vô lo. Nhưng chuyến đi ngược về quá khứ không kéo dài lâu. Chức vụ và trách nhiệm đã kéo ông trở về với thực tại.