nhiên là không chỉ kém bảy tám phần. Cũng có nghĩa là, Giản Tấn vừa đến đã đánh ngã những người có thể chiến đấu của bên nàng, giờ chỉ còn lại mình nàng và Hồng Tam Nhiệt. Nhan Tịch còn chưa nghĩ ra đối phương dùng thủ pháp gì để cách không điểm ngã mấy người, nhưng nàng biết rõ bốn người này tuy không thể động đậy, song còn chưa mất đi tình mạng. Giản Tấn tựa hồ không hề muốn giết họ. Trong Tứ Công Tử, ngoại trừ Diệu Thủ Đường Hồi Bách Ứng dám hạ độc thủ ra, ba người còn lại đều muốn lưu lại một chút dư địa, để đối phương có một con đường rút lui, cũng để cho bản thân sau này một cơ hội ... Tứ Công Tử phân tranh, rốt cục cũng không giống như những cừu sát trên giang hồ. Nghĩ đến đây, trong lòng Nhan Tịch dường như an tâm được một chút. Bất quá, an tâm cũng chỉ có một chút mà thôi. Bởi hoàn cảnh hiện tại của nàng một chút cũng không an toàn, một chút cũng không yên ổn. Nàng chỉ hy vọng Giản Tấn chỉ đến một mình. Như vậy, nàng và Hồng Tam Nhiệt hợp lực, có lẽ còn đối kháng được với "con báo" này. Một "con báo" biết cười. Báo thường hay phẫn nộ. Trong võ lâm có nhiều danh xưng liên quan đến báo như là Nộ Báo, Hắc Báo, Phi Báo Tử, Kim Tiền Báo, những cao thủ có ngoại hiệu này đa phần đều xuất thủ cực nhanh, lực trầm khí mãnh, tính tình bạo liệt, giống như là báo tử vậy. Giản Tấn lại không như vậy. Nếu như nói y là Báo Tử, vậy thì y là một "con báo biết cười". Thậm chí y còn khiêm cung hữu lễ, văn nhã đạo mạo xem ra còn giống một nhân tài giao tế hơn là một nhân vật võ lâm. – Tại hạ đương nhiên không đến một mình. Câu nói đầu tiên của Giản Tấn đã chặt đứt tia hy vọng duy nhất của Nhan Tịch. – Tại hạ còn có hai cỗ kiệu nữa đang hầu ở hậu sơn, đợi hai vị đến đó ngồi. Y mỉm cười rồi lại nói tiếp: – Bất quá, nếu hai vị không thích, muốn ngồi kiệu của mình cũng được. Vì vậy, nên tại hạ đã lưu lại bốn vị tiểu huynh đệ này, nếu các vị muốn người của mình khiêng kiệu cũng không có gì bất tiện. Y nói như vậy, tựa hồ như đã tính toán hết sức chu đáo, khiến Nhan Tịch và Hồng Tam Nhiệt hết thức thuận tiện vậy. Hồng Tam Nhiệt vừa nghe đã muốn phát tác, song Nhan Tịch lại mỉm cười nói: – Không biết Giản quản sự muốn đưa chúng ta đi đâu? Giản Tấn bước tới bậc thang thứ mười lăm liền dừng lại, cười cười nói: – Không xa, không xa! Chỉ là tới Tiểu Bích Hồ một chuyến mà thôi. Nhan Tịch nói: – Đến Tiểu Bích Hồ? Ta còn chưa chuẩn bị lễ vật, hơn nữa đoạn đường này cũng phải bảy tám dặm, muốn đi cũng nên có chuẩn bị một chút, thêm vào đó, ta là gái đã có chồng, nửa đêm đến viếc thăm Du công tử không khỏi có chút bất tiện. Giản Tấn nói: – Tương thỉnh chi bằng tương ngộ. Chúng ta đều là người giang hồ, đặc biệt đại phu nhân lại là nữ trung hào kiệt hà tất phải câu nệ những thứ tục lễ này làm gì! Một câu nói đã khéo léo tránh đi chủ đề có gặp Du công tử hay không? Nhan Tịch lại hỏi tiếp: – Nếu như quý phủ có ý mời chúng ta đến nói chuyện, hà cớ gì không báo thiệp đến bản trang, tương thỉnh đột xuất như vậy không phải có chút quá mạo muội hay sao? Giản Tấn cười cười: – Chúng ta đoán định đại phu nhân sẽ đứng đây đợi chờ Phương thiếu hiệp. Bất quá, đêm nay Phương thiếu hiệp có thể về muộn một chút. Trì công tử và chủ nhân tệ phủ tình như thủ túc nên không thể để đại phu nhân ở đây chịu gió chịu sương được. Đại phu nhân là ngời anh hoa hiệp cốt, chắc sẽ không tính toán gì một chút thiếu lễ số này đâu. Nhan Tịch nhướng mày, hỏi thẳng: – Ồ, nói như vậy, đêm nay các hạ phụng mệnh Du công tử, cưỡng bức chúng ta đến Tiểu Bích Hồ có phải không? Giản Tấn không trực tiếp trả lời, chỉ nói: – Đại phu nhân nặng lời rồi. Nhan Tịch biết có hỏi tiếp nữa cũng không ra kết quả gì, bởi tuy ngoại hiệu Giản Tấn là Báo Tử, song y còn trơn hơn là cá trạch nữa. Y không chịu nhận đây là ý của Du Ngọc Già, vạn nhất có thất thủ, người của Du gia vẫn có thể phủ nhận, nói không liên quan gì đến họ mà chỉ là do Giản Tấn tự tiện hành động. Hồng Tam Nhiệt không nhịn được nữa, hét lớn một tiếng, trong nháy mắt đã ráp mấy thanh thép thành một cây trường thương dài một trượng hai. Y đâm tới một htương, dáng vẻ oai phong như thiên tướng: – Ta đi! Giản Tấn thần sắc không đổi, mỉm cười nói: – Rất tốt! Đại phu nhân tưởng tất cũng cùng đi với Hồng huynh đây? – Có thể! Hồng Tam Nhiệt gầm lên như sấm động: – Bất quá phải hỏi cây thương trên tay ta đã! Y nói dứt câu thì trường thương trên tay đã biến thành một đóa hoa. Đó là hoa thương, hoa thương vốn chẳng phải hoa, cũng giống như hoa tuyết không phải hoa, hoa khói không phải hoa vậy. Nhưng khi thương ở trong tay Hồng Tam Nhiệt thực sự đã biến thành một đóa hoa. Đó là vì khi Hồng Tam Nhiệt nói dứt câu nói đó, đã có bảy tám cỗ "ám khí" bay về phía y. Những "ám khí" này hoàn toàn không mang theo tiếng rít gió, vì thế khi Hồng Tam Nhiệt phát hiện ra thì "ám khí" đã đến trước mặt rồi. "Ám khí" không chỉ công vào trước mặt y, thân trước thân sau, thượng trung hạ bàn của y ít nhất cũng có tới mười chỗ yếu hại nằm trong phạm vi tấn công của số "ám khí" này. Trường thương trên tay Hồng Tam Nhiệt quá dài, khó mà chống đỡ kịp. "Ám khí" lại đến quá nhanh, không kịp né tránh, y đành phải dùng cánh tay còn lại để tiếp "ám khí". Khi y bắt được hết số "ám khí" thì phát giác trường thương trên tay bị đoạt, vội nắm chặt tay lại, nhưng thứ y nắm không phải thương, mà là hoa. Liên hoa. Sau đó y phát hiện những "ám khí" y vừa bắt được đều là hoa. Những loại hoa khác nhau. Điểm tương đồng duy nhất là: Hoa đều rất đẹp. Những bông hoa đẹp!