Lần đầu tiên kể từ đã lâu lắm, lá cây đang trở màu xanh. Suốt ba năm nay, Kaboul không hề có một giọt mưa và các mầm cây chưa nở đã rụi hết. Mùa xuân năm nay, mùa xuân đầu tiên sau cuộc tháo chạy của bọn taliban, trời mưa rất nhiều, những cơn mưa trời cho, những cơn mưa tuyệt diệu. Không chỉ sông Kaboul tràn cả bờ, mà những cây cối hiếm hoi còn sống sót cũng đã bắt đầu nảy mầm và xanh tươi trở lại. Mưa đã nhiều đủ để bụi lắng xuống. Bụi, cái thứ bụi cát rất mịn ấy, là nỗi đày đọa ở Kaboul. Khi trời mưa, nó biến thành đất sét, khi trời khô nó bốc lên vần vũ và nghẹt cứng cả mũi, biến thành bùn trong phổi. Buổi sáng hôm đó, trời mưa và không khí đã mát dịu đi. Nhưng khí mát không lọt vào được dưới tấm burkha. Leila chỉ ngửi thấy cái mùi bồn chồn của chính hơi thở mình và tiếng mạch đập bên thái dương.
Trên tường một ngôi nhà xây bằng bê tông, nhà số bốn khu Microyan, có những tấm bảng lớn ghi rõ “Lớp học”. Những hàng người sắp dài trước các tấm bảng đó, ở đây người ta mở những lớp xóa nạn mù chữ, lớp tin học và lớp học viết. Leila muốn ghi danh vào lớp học tiếng Anh. Trước lối vào, hai người đàn ông ngồi ở một chiếc bàn. Leila nộp tiền xin học và đứng sắp vào hàng trăm người phụ nữ đang chuẩn bị đi tìm phòng học. Họ bước xuống các bậc cấp và đi vào một tầng hầm trông giống như hầm tránh bom. Những vết đạn vẻ các đường nguệch ngoạc trên tường. Thời nội chiến chỗ này, nằm ngay bên dưới các căn hộ, đã được dùng làm kho chứa vũ khí. Các “lớp học” được ngăn bằng những tấm gỗ. Mỗi ngăn có một tấm bảng đen, một chiếc que và mấy chiếc ghế dài. Một số ngăn cũng có bàn. Tiếng rì rầm nho nhỏ vang lên đâu đó, hơi nóng dìu dịu.
Leila tìm được lớp của mình. Tiếng Anh cho người mới bắt đầu. Cô đến sớm, cùng với vài anh chàng ngốc. Có thể thật thế này ư? Có cả con trai trong lớp? Cô đã định quay lui, bỏ về, nhưng cố lấy hết can đảm và ở lại. Cô ngồi ở hàng cuối. Hai cô gái trẻ đứng im trong một góc phòng. Nhiều tiếng nói chuyện ồn ào. Mãi một hồi lâu thầy giáo mới tới. Bọn con trai viết nguệch ngoạc lên bảng. “Pussy”, Duck”, “Fuck”[21]. Leila nhìn các chữ ấy, dửng dưng. Cô có mang theo cuốn từ điển Anh-Afganistan của mình, cô mở ra bên dưới bàn, không để cho bọn con trai nhìn thấy. Các từ ấy không có trong từ điển. Cô cảm thấy rất khó chịu. Cô chỉ có một mình, hay gần như một mình, giữa một đám đông con trai cùng tuổi cô. Lẽ ra cô không bao giờ nên đến đây, cô lấy làm ân hận. Và nếu họ lại nói chuyện với cô thì biết làm sao. Thật là xấu hổ! Cô lại còn bỏ cả burkha ra, nghĩ rằng không nên choàng burkha trong lớp. Bây giờ thì đã quá muộn, cô đã phơi mặt ra mất rồi.
Thầy giáo đến và bọn con trai vội xóa những chữ chúng đã viết lên bảng. Một giờ đau khổ bắt đầu. Mọi người đều phải tự giới thiệu, nói rõ tuổi của mình và vài từ tiếng Anh. Thầy giáo, một thanh niên dong dỏng cao, đưa chiếc que chỉ vào cô và yêu cầu cô nói. Cô có cảm giác đau quặn cả người trước bọn con trai này. Cô thấy mình bị làm ô uế, bị phơi mình ra, tự làm mất danh dự. Cô đã nghĩ gì mà lại vác mặt đến cái lớp học này? Không bao giờ cô lại có thể nghĩ rằng lớp học lại có nam nữ lẫn lộn. Không bao giờ. Đây không phải là lỗi tự cô.