Sultan đọc một lời cầu nguyện ở chỗ các nhà báo đã bị sát hại. Để cho an toàn, ông đã giữ bộ râu và mặc quần áo truyền thống, chỉ chiếc khăn quấn đầu được thay bằng một chiếc mũ đấu nhỏ hình tròn.
Kaboul đã gần. Hẳn là Sonya đã giận ông lắm, ông mỉm cười tự nhủ. Ông đã hứa sẽ trở về trong một tuần. Đúng là ông đã giải thích cho cô không thể đi Peshawar và Lahore chỉ một tuần, nhưng cô nào có chịu nghe.
- Vậy thì em sẽ không uống sữa đâu, cô dọa.
Sultan cười thầm. Ông vui vì sắp được gặp lại cô. Cô không thích uống sữa, nhưng vì cô còn cho Lafita bú, Sultan ép cô mỗi buổi sáng phải uống một ly. Cái ly sữa đó đã trở thành phương tiện gây sức ép của Sonya.
Cô cảm thấy nhớ Sultan vô cùng khi ông vắng nhà. Các thành viên khác trong gia đình tỏ ra khó chịu hơn khi vắng ông. Lúc đó cô mất đi cương vị tối cao trong nhà và chỉ còn là một cô gái đã tình cờ rơi vào gia đình họ. Những người khác nắm lấy quyền hành và làm bất cứ việc gì họ muốn. Họ gọi cô là “cô nhà quê”, chê cô “ngu như lừa”, song dẫu sao cũng không đi xa hơn nữa, vì cô sẽ mách lại với Sultan, và họ không muốn hứng chịu sấm sét của ông.
Sultan cũng nhớ Sonya. Như chưa bao giờ ông thấy nhớ Sharifa đến thế. Đôi khi ông tự bảo Sonya quá trẻ đối với ông, cô như một đứa con, mà ông phải chăm sóc, bắt phải uống sữa, làm cho ngạc nhiên khi tặng cô những món quà nhỏ.
Ông nghĩ đến sự khác nhau giữa hai người vợ. Khi ông sống với Sharifa, chính bà lo liệu tất cả, bà nhớ các cuộc hẹn, bà tổ chức, chuẩn bị mọi thứ. Sharifa bao giờ cũng nghĩ trước hết đến Sultan, đến cái ông cần hay ông muốn. Sonya sẵn sàng làm những gì người ta đòi hỏi cô nhưng rất ít khi tự mình nghĩ ra trước. Dẫu sao cũng có một điều ông không thể chấp nhận: sự khác biệt hoàn toàn về nhịp độ giữa họ. Sultan dậy từ năm giờ để làm lễ cầu kinh fajr, lễ cầu kinh duy nhất ông tuân thủ. Trong khi Sharifa bao giờ cũng thức dậy cùng ông để đun nước, pha trà và chuẩn bị quần áo sạch, thì Sonya, như một đứa bé, không thể nào kéo cô ra khỏi giường.
Có lúc Sultan tự nhủ chính ông quá già đối với cô, ông không xứng với cô, nhưng bao giờ cuối cùng ông cũng nghĩ cô sẽ không thể nào tìm được một người chồng tốt hơn ông. Không bao giờ cô sẽ có được một mức sống như cô đang có hôm nay nếu cô cưới một ai đó bằng tuổi cô, anh ta sẽ nghèo, bởi vì tất cả bọn con trai trong làng cô đều nghèo. Chúng ta sẽ còn có cùng nhau mươi, hai mươi năm nữa, ông nghĩ, sự thỏa mãn hiện lên trên khuôn mặt ông thành một thoáng mỉm cười. Ông cảm thấy may mắn và hạnh phúc. Sultan cười một mình. Người ông hơi rung lên. Ông đang đến gần Microyan và người đàn bà-trẻ con ngon lành nọ.