Ông sẽ thảo luận vấn đề này với giám đốc trong chuyến công tác tới đến tổng hành dinh của FBI ở Washington. Nhưng ông không tin người ta có thể giải quyết được vấn đề. Những kẻ như Inzia Tulippa đời nào chịu bỏ cuộc.
Inzio Tulippa đến Hoa Kỳ để gặp Timmona Portella và theo đuổi việc giành giật các nhà băng của Trùm Aprile. Cùng lúc đó thủ lĩnh của băng Corleone ở Sicily, Michael Grazziella, cũng đến New York để cùng Tulippa và Portella soạn thảo kế hoạch chi tiết về việc phân phối ma túy trên toàn thế giới. Chúng đến bằng những cách thức rất khác nhau.
Tulippa đáp xuống New York bằng máy bay riêng. Cùng đi còn có năm mươi thuộc hạ và vệ sĩ. Bọn này mặc cùng một kiểu đồng phục: comple trắng, sơ mi xanh da trời, cà vạt hồng, mũ Panama (1) mềm màu vàng. Trông chúng cứ như những thành viên của một ban nhạc Rhumba Nam Mỹ nào đó. Tất cả đều mang hộ chiếu Costa Rica, đương nhiên Tulippa hưởng quyền bất khả xâm phạm của ngoại giao đoàn.
Tulippa cùng người của y nghỉ tại một khách sạn nhỏ của tổng lãnh sự quán Peru. Tulippa đi đứng đường hoàng chứ không lấm lét như một kẻ buôn bán may túy. Dù sao y vẫn là “kẻ chủng ngừa” và đại diện của các công ty Mỹ tranh nhau làm cho y được thoải mái trong suốt thời gian lưu lại. Y đến dự phiên khai mạc của nhà hát Broadway, Lincoln Center Ballet, Metropolitan Opera, và các buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ Mỹ La tinh nổi tiếng. Y xuất hiện cả trên chương trình đối ngoại với tư cách là chủ tịch Liên đoàn công nhân nông nghiệp Nam Mỹ và y dùng các diễn đàn để bảo vệ việc sử dụng ma túy. Một trong những cuộc đối thoại của y - với Charlie Rose trên đài truyền hình PBS – đã trở thành nổi tiếng.
Tulippa cho rằng Hoa Kỳ luôn tỏ thái độ chống lại việc sử dụng côcain, heroin và cần sa trên toàn thế giới là một biểu hiện ô nhục của chủ nghĩa thực dân. Những người lao động Nam Mỹ tồn tại được là nhờ sản xuất ma túy. Ai có thể đổi lỗi cho một người mà cái nghèo đã len vào cả những giấc mơ, buộc họ phải sử dụng ma túy để có được vài giờ thư thái? Đó là một phán xử vô nhân đạo. Thế còn thuốc lá và rượu thì sao? Chúng gây thiệt hại nhiều hơn ấy chứ.
Hôm đó, năm mươi thuộc hạ của y cũng có mặt tại phòng quay. Mỹ Panama để trong lòng, chúng vỗ tay tán thưởng rầm rầm. Khi Charlie Rose hỏi về những thiệt hại mà ma túy gây ra, Tulippa đã tỏ ra đặc biệt chân thành. Tổ chức của y đã rót một lượng tiền lớn vào việc nghiên cứu điều chế để ma túy không còn có hại. Tóm lại, chúng sẽ là những loại thuốc tân dược bình thường. Chương trình sẽ được điều hành bởi các bác sĩ danh tiếng chứ không phải những con tốt của Hiệp hội y tế Mỹ - những kẻ chống ma túy một cách mù quáng. Không, ma túy chỉ có thể là niềm hạnh phúc lớn tiếp theo của nhân loại. Năm mươi chiếc mũ Panama màu vàng nhất loạt bay vèo lên không trung.