Leeland có vẻ được an ủi, nói về kỹ thuật cho phép ông thoát khỏi những bóng ma mà ông vừa gợi lên.
- Cậu không tưởng tượng được một chiếc máy tính có thể làm những gì đâu! Nếu đó là những ký tự của một ngôn ngữ mà nó có trong bộ nhớ, nó sẽ biết tái tạo lại những từ hoặc những chữ trong một văn bản đã bị thời gian hủy hoại. Đưa phim của cậu cho tớ.
Cha Nil lấy chiếc túi đeo và đưa cuộn phim cho bạn. Họ cùng đi sang phía bên kia căn phòng, Leeland bật những chiếc hộp và chúng bắt đầu nhấp nháy. Ông mở một trong số các hộp ra.
- Máy scan laze, thế hệ mới nhất.
Mười lăm giây sau, phiến đá hiện ra trên màn hình. Leeland điều khiển chuột, gõ lên bàn phím, và bề mặt của hình ảnh bắt đầu được quét rất đều đặn bằng một chiếc cọ ánh sáng.
- Phải mất hai mươi phút. Trong khi nó làm việc, sang bên có đàn piano đi, tớ sẽ chơi cho cậu nghe bản Children’s Corner.
Trong khi Leeland, hai mắt nhắm lại, tái hiện dưới ngón tay mình giai điệu du dương của Debussy, chiếc cọ của máy tính vẫn quét không ngừng nghỉ trên ảnh chụp một bản khắc bí ẩn dưới triều đại Carolingien.
Và được một tu sĩ chụp lại vào cuối thế kỷ XX, người ấy đã phải chết cũng chính vì bức ảnh này.
Cùng lúc đó, Đức ông Calfo cầm lấy điện thoại di động:
- Họ đã rời văn phòng ở Cơ quan và đi ngay đến căn hộ của tay người Mỹ à? Được, hãy ở gần họ và kín đáo giám sát các động tĩnh của họ, rồi tối nay gửi báo cáo của anh cho tôi.
Theo thói quen ông ta đưa tay sờ nắn hình thoi thuôn dài của viên ngọc màu xanh.
47.
Giờ đây, trên màn hình máy tính, bản khắc trên phiến đá Germigny hiện ra với độ nét cao.
- Nhìn này, Nil: hoàn toàn có thể đọc được. Đây là những ký tự Latin, máy tính đã khôi phục lại chúng. Mà này, ở đầu và cuối văn bản, lại có hai ký tự hy Lạp- alpha và omega- máy tính đã xác định thì không thể lầm được.
- Cậu có thể in cho tớ một bản được không?
Cha Nil ngắm nghía bản khắc in ra trên giấy. Leeland chờ ông cất lời.
- Đây đúng là văn bản của Tín điều Nicée, Tín điều Credo. Nhưng nó được bố trí theo cách hoàn toàn không thể hiểu được…
Họ kéo ghế lại gần nhau. “Như ngày xưa, khi mình đến phòng cậu ấy để học chung, hai người ngồi bên nhau dưới cùng một ngọn đèn.”
- Tại sao người ta lại thêm ký tự alpha vào trước từ đầu tiên của văn bản, và ký tự omega vào sau từ cuối cùng? Tại sao hai ký tự này, ký tự đầu tiên và ký tự cuối cùng trong bản chữ cái Hy Lạp được cố tình ghép vào một văn bản viết bằng tiếng Latin và vốn được coi là không thể xâm phạm đến? Tại sao người ta lại cắt nhỏ các từ mà không quan tâm đến ý nghĩa của chúng? Tớ thấy chỉ có thể giải thích bằng một cách: không cần phải quan tâm đến ý nghĩa, vì ở đây không có ý nghĩa, mà phải quan tâm đến cách thức văn bản này được trình bày. Cha Andrei đã nói với tớ rằng ông ấy chưa bao giờ thấy điều này: hẳn là ông ấy đã ngờ việc chia cắt này có một ý nghĩa đặc biệt, và phải tới khi ông ấy đến Roma thì mới nhận thấy rằng Tín điều Credo bị sửa đổi như vậy có điều gì đó liên quan tới ba chỉ dẫn khác ghi trên mảnh giấy. Lúc này, tớ chỉ đọc được một thứ, đó là bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ.