“Mình sẽ tìm kiếm. Và mình sẽ thấy.”
44.
Đồi Vatican, năm 67
- Peter… Nếu Người không ăn gì, thì ít nhất cũng uống một chút đi!
Ông già gạt hũ nước mà người đồng hành của ông, người đang mặc một chiếc áo cánh ngắn của nô lệ, đưa cho. Ông nghiêng người, vơ một ít rơm, nhét vào khoảng giữa lưng và bức tường xây theo kiểu opus reticulatum [[31]]. Ông rùng mình: vài giờ nữa, có thể ông sẽ bị đóng đinh câu rút, sau đó thân thể ông sẽ bị phủ nhựa. Đêm xuống, đao phủ sẽ châm lửa vào những ngọn đuốc sống là người bị đóng đinh câu rút, để chiếu sáng cảnh tượng mà hoàng đế muốn tặng cho nhân dân thành Roma.
Từ nhiều ngày nay, người bị kết án tử hình đã bị nhốt vào những đường hầm dài hình vòm dẫn trực tiếp ra đường đua trong đấu trường. Qua tấm lưới ngăn lối vào, người ta thấy thấp thoáng hai cột mốc– các meta– đánh dấu hai đầu mút của đường đua. Chính tại đó, xung quanh đài tháp lớn ở trung tâm trường đấu, là nơi mỗi tối người ta đóng đinh câu rút những “người Do Thái” được cho là phải chịu trách nhiệm về vụ hỏa hoạn lớn đã phá hủy thành phố vài năm trước, không phân biệt đàn ông, đàn bà hay trẻ em.
- Ăn hay uống thì cũng để làm gì, hả Lin? Con biết là tối nay mà: chúng luôn bắt đầu từ những người già nhất. Con sẽ còn sống thêm vài ngày nữa, rồi Anaclet sẽ chứng kiến con ra đi, trước khi đến lượt nó đến gặp chúng ta cùng với những người cuối cùng.
Ông xoa đầu một đứa trẻ ngồi cạnh ông trên đống rơm. Nó nhìn ông với vẻ sùng kính, đôi mắt to lại càng to hơn bởi những quầng thâm.
Ngay từ khi đến Roma, Peter đã thâu tóm cộng đồng người Cơ Đốc. Đa số những người cải đạo là nô lệ, giống như Lin và cậu bé Anaclet. Tất cả họ đều đã từng theo các tôn giáo bí ẩn đến từ phương Đông, vốn có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với người dân. Những tôn giáo này mang lại cho họ viễn cảnh về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, và những nghi lễ cúng bái ly kỳ vấy máu. Tôn giáo khắc khổ và đúng đắn của những người Do Thái cải đạo theo Đấng Christ, vừa là Chúa trời lại vừa là con người, đã đạt được thành công vang dội.
Peter cuối cùng đã chấp nhận rằng việc thánh hóa hoàn toàn Jesus là một điều kiện không thể thiếu cho công việc truyền bá tôn giáo mới. Ông quên đi những ngại ngùng ràng buộc ông vào thời gian đầu khi còn đang ở giữa những người cải đạo tại Jerusalem: “Jesus đã chết. Christ – Chúa trời vẫn sống. Chỉ một người còn sống mới có thể giúp những cộng đồng này đến được với một cuộc sống mới.”
Người ngư phủ thành Galilee đã trở thành người đứng đầu không thể tranh cãi của cộng đồng ở Roma: không ai còn nghe nói đến tông đồ thứ mười ba nữa.
Ông nhắm mắt lại. Khi đến đây, ông đã kể cho những người bị giam giữ nghe việc bọn lính đã bắt ông trên đường Appia, trong lúc ông đang trốn chạy cùng làn sóng người muốn thoát khỏi sự truy bắt của Néron. Đầy hận thù đối với điều mà họ coi là hèn nhát, nhiều người Cơ Đốc bị bắt vì lòng dũng cảm trong nhà tù này đã lánh xa ông.