Cha Nil cởi áo vest tu sĩ, gấp lại cho khỏi nhàu và đặt lên ghế bên phải.
Ông nhắm mắt lại.
Mục đích của cuộc sống tu sĩ là kìm nén mọi dục vọng, và loại bỏ chúng đến tận gốc rễ. Ngay từ khi tập tu, cha Nil đã ở trong một ngôi trường tốt: tu viện Saint-Martin tỏ ra là một nơi tuyệt vời cho việc từ bỏ cái tôi. Toàn tâm hướng đến việc tìm kiếm sự thật, ông không mấy đau khổ về điều này. Ngược lại, ông thích thú được giải thoát khỏi những dục vọng chế ngự loài người, khiến loài người phải chịu đau khổ nhiều nhất.
Từ lâu, ông không còn nhớ cảm giác giận dữ, đó là một dục vọng thấp hèn. Cho nên ông ngần ngại không muốn xác định điều mình cảm thấy từ vài ngày nay. Cha Andrei chết, việc điều tra được tiến hành qua quýt, rồi vụ việc bị xếp lại: kết luận là tự sát, một điều sỉ nhục đối với ông ấy. Ở tu viện, người ta rình rập, lục lọi, ăn cắp. Người ta gửi ông đến Roma như một gói hàng.
Giận dữ ư? Dù sao cũng có một cảm giác tức giận đang dâng lên, khiến ông lúng túng, giống như một trận dịch bỗng xảy ra do một căn bệnh đã biến mất từ lâu nhờ tiêm vắc xin.
Ông quyết định tạm gác lại việc xem xét căn bệnh đột phát này: “Đợi đến Roma. Thành phố này đã sống sót sau mọi chuyện.”
Ông đã kiên nhẫn dựng lại các sự kiện xung quanh cái chết của Jesus, để từ đó có thể dựng lại cuộc sống của người môn đồ cưng. Sau hội nghị Giám mục ở Jerusalem, người này vẫn tiếp tục sống. Cha Nil thấy giả thiết cho rằng ông đã trốn vào sa mạc là có vẻ đúng hơn cả: đó chính là nơi bản thân Jesus cũng nhiều lần ẩn nấp. Cũng chính tại sa mạc, người Esseni, sau đó là những người Do Thái yêu nước cuồng nhiệt, đã trú ngụ cho đến cuộc nổi dậy của Bar Kochba.
Vết chân của người này đã tan lẫn trong cát sa mạc. Để tìm lại, cha Nil phải nghe được một giọng nói vang lên từ dưới mồ, giọng người bạn đã mất của ông.
Tiếp tục cuộc kiếm tìm này sẽ có tác dụng như một phương tiện chuyển giải cho nỗi tức giận mà ông cảm thấy đang dâng lên trong người.
Ông cố gắng lựa tư thế thoải mái để ngủ một chút.
Tiếng động của đoàn tàu khiến ông dần cảm thấy đờ đẫn. Những ngọn đèn trên đoạn Lamotte-Beuvron vun vút chạy qua.
Khi ấy mọi việc diễn ra rất nhanh. Người hành khách trong góc hành lang rời chỗ ngồi và tiến lại gần, như để lấy thứ gì đó trong lưới trên đầu ông. Cha Nil đưa mắt nhìn lên theo phản xạ: lưới rỗng không.
Ông không có thời gian để suy nghĩ: mái tóc hoe vàng đã nghiêng xuống phía ông, và ông nhìn thấy bàn tay người đó đưa về phía chiếc áo vest tu sĩ.
Cha Nil đang định phản đối cử chỉ sỗ sàng đó của người đồng hành: “Cứ như một người máy vậy!”
Nhưng cánh cửa khoang tàu mở ra với một tiếng động ầm ĩ.
Người đàn ông nhanh chóng đứng thẳng người lên: bàn tay anh ta buông thõng xuống dọc thân người, nét mặt linh hoạt hẳn lên, và anh ta mỉm cười với cha Nil.