Ý nghĩ cuối cùng của cha Andrei là hướng về ông, ông ấy đã để lại cho ông một thông điệp: phải vượt qua nỗi sợ này và tiếp tục điều tra bắt đầu chỉ từ một mảnh giấy. Dòng đầu tiên trên mảnh giấy đó nói về một bản thảo kinh Khải Huyền bằng tiếng Ai Cập cổ: hẳn nó phải nằm trong tất cả những thứ mà bạn ông cất giữ trong tủ tại phòng ông ấy. Nhưng người khách bí ẩn viếng thăm thư viện cánh Bắc, người suýt bắt gặp ông sáng nay, chắc chắn đã nhận ra lỗ hổng toang hoác trên giá sách vì tập bản thảo M M M bị mượn. Tập bản thảo này chỉ có thể bị một tu sĩ không được quyền vào thư viện này lấy đi: nếu không, ông ta đã để vào chỗ đó một bóng ma có chữ ký của mình theo quy định.
Hẳn là sau đó người ta đã phát hiện ra chùm chìa khoá bị bỏ quên trong túi quần cha Andrei, và sẽ thu hồi lại: văn phòng của ông ấy lập tức được trang bị một ổ khoá, và cha Nil hẳn là không còn hy vọng có thể vào đó để tìm lại bản thảo bí ẩn kia.
Chán nản, ông gấp cuốn sách lại, luồn ngón trỏ vào giữa bìa sách và trang gác theo thói quen. Và ông giật mình.
Ông vừa cảm thấy có một chỗ gờ lên trên mặt trong bìa sách.
Một lỗi của nhà sản xuất chăng?
Ông đưa cuốn sách lại gần đèn, và mở ra dưới luồng ánh sáng: không phải là một sự cố trong khâu đóng bìa. Mép bìa sách đã bị bóc ra rồi dán lại. Bên trong, có thể cảm thấy sự hiện diện của một vật mảnh hình chữ nhật.
Vô cùng thận trọng, ông cắt ngang trang gác bồi cho phần bìa, tách ra, và nghiêng cuốn sách để ánh sáng chói gắt có thể xuyên vào: bên trong, có một văn bản được gấp làm tư.
Ngay trước khi đi, cha Andrei đã luồn vào trong công trình cuối cùng của mình một tờ giấy mà ông đã cẩn thận cất giấu kỹ càng.
Lấy một cái nhíp nhổ, cha Nil bắt đầu kéo mảnh giấy ra khỏi chỗ cất giấu một cách hết sức cẩn trọng.
26.
Tối đó, ngồi trong văn phòng mình, đức cha tu viện trưởng sắp bị cơn nóng giận cuốn đi.
Ông đã yêu cầu được nói chuyện với Hồng ý giáo chủ Catzinger, ở Roma, nhưng đường dây số 390 dường như đã bị tắc nghẽn. Cuối cùng, giọng nói êm dịu của viên giáo sĩ cấp cao cũng vang đến tai ông.
- Tôi hy vọng không quấy rầy ngài, thưa Đức Hồng y… Tôi quyết định xin ngài cho tôi lời khuyên, và có thể là giúp đỡ tôi, về chuyện vị tu sĩ mà chúng ta đã từng nói đến… Cha Nil, giảng viên chú giải Kinh thánh ở học viện. Ngài hẳn còn nhớ tôi đã báo cho ngài… Vâng, đúng thế. Thời gian gần đây tôi nhận thấy có sự thay đổi đáng kể trong thái độ ông ấy. Trước đây ông ấy luôn là một thầy tu rất chuyên cần, vô cùng chú ý trong các giờ lễ. Từ sau cái chết của cha Andrei đáng thương, ông ấy không còn như thế nữa. Và một sự việc chưa từng có vừa xảy ra: trong khi chức vụ thủ thư còn bỏ ngỏ, tôi tự mình giám sát các cuốn sách được mượn trong thư viện của chúng tôi. Thế là, sáng sớm nay, tôi đã quan sát được cha Nil lấy cắp một tác phẩm nhạy cảm trong thư viện cánh Bắc. Xin lỗi ngài? À vâng, đó là bản thảo M M M nổi tiếng của người Mỹ…
Ông phải đưa ống nghe ra xa tai. Đường dây riêng của Vatican, vốn quen với những lời êm dịu, truyền đi trung thực cơn tức giận của Hồng y: