Tuy nhiên, có một điều hạn chế bất thường. Mỗi người trong số tám tu sĩ giảng dạy ở học viện chỉ có một chìa khóa duy nhất, chìa khóa của thư viện tương ứng với bộ môn người đó phụ trách. Chịu trách nhiệm về kinh Tân ước, cha Nil đã nhận được chìa khóa thư viện cánh giữa, trước cửa có gắn một tấm biển gỗ khắc chữ: Khoa học về Kinh Thánh. Các thư viện cánh Bắc, Khoa học lịch sử, và ở cánh Nam, Khoa học Thần học, vẫn khăng khăng đóng kín đối với ông.
Chỉ có cha Andrei và cha Tu viện trưởng có chìa khóa của cả ba thư viện, treo thành một chùm đặc biệt mà họ không bao giờ rời xa.
Ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu, cha Nil đã đề nghị bạn mình cho phép được vào thư viện lịch sử.
- Ở cánh giữa, tôi không tìm thấy một số tác phẩm mà tôi cần để tiến xa hơn. Cha đã có lần nói với tôi rằng chúng được xếp ở cánh Bắc. Tại sao tôi không thể vào đó được? Thật là buồn cười!
Lần đầu tiên, cha Nil thấy khuôn mặt của bạn mình trở nên kín bưng. Cuối cùng, với vẻ vô cùng ngại ngần, nước mắt lưng tròng, cha Andrei cũng nói với ông:
- Cha Nil… Nếu tôi có nói với cha điều đó, thì tôi đã sai, cha hãy quên đi. Tôi xin cha, đừng bao giờ hỏi tôi chìa khóa của một trong hai thư viện mà cha không được phép tiếp cận. Bạn của tôi, hãy hiểu cho tôi, tôi không làm điều tôi muốn được. Đó là mệnh lệnh chính thức của đức Cha tu viện trưởng, và những mệnh lệnh này được đưa ra… từ cấp cao hơn. Không ai có thể cùng lúc vào cả ba thư viện. Chuyện này đã khiến tôi không thể ngủ được, không phải chuyện buồn cười, mà là bi kịch. Tôi có thể vào cả ba thư viện, và tôi thường dùng thời gian rảnh rỗi để lục lọi rồi đọc. Vì sự yên bình của tâm hồn cha, nhân danh tình bạn của chúng ta, tôi xin cha hãy bằng lòng với những gì cha tìm thấy trong thư viện cánh giữa.
Rồi ông chìm vào im lặng nặng nề, điều không thường thấy ở ông mỗi khi ông còn một mình với cha Nil.
Mất phương hướng, giảng viên phụ trách việc chú giải Kinh Thánh đành thỏa mãn với những kho báu mà chiếc chìa khóa duy nhất của ông mở ra.
- Lời kể cho thấy tác giả chính của kinh Phúc âm theo Thánh Jean biết rõ Jerusalem, và có nhiều mối quan hệ tại đây. Đó là một người vùng Judee khá giả, có học thức, trong khi đó tông đồ Jean sống ở Galilee, là người nghèo và mù chữ… làm sao mà ông có thể là tác giả của văn bản mang tên ông?
Trước mặt ông, những gương mặt dần sa sầm lại theo những điều ông nói. Một số người lắc đầu với vẻ phản đối – nhưng không ai phát biểu. Sự im lặng này của cử tọa khiến cha Nil lo lắng hơn bất kỳ điều gì. Các sinh viên của ông xuất thân từ những gia đình có truyền thống nhất nước. Được lựa chọn kỹ lưỡng để trở thành mũi giáo của Giáo hội bảo thủ trong tương lai. Tại sao người ta lại chọn ông vào chức vụ này? Ông đã sung sướng biết bao khi được lặng lẽ làm việc, cho riêng mình!
Cha Nil biết rằng ông không thể truyền đạt cho họ tất cả các kết luận của ông. Ông chưa bao giờ mường tượng rằng việc chú giải Kinh thánh lại có ngày trở thành một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm. Khi còn là sinh viên ở Roma, bên cạnh một anh chàng Rembert Leeland nồng nhiệt và thân ái, mọi chuyện thật dễ dàng biết bao…