Cả bọn làm lụng từ sáng nên cũng đói lả, nghe thấy vậy đều đồng thanh khen là phải rồi vội xuống chân núi. Đám người làng giữ xe lừa đã đào bếp bắc chảo từ nãy, đem ít khoai tây, củ cải mang sẵn từ nhà thái thành một đống lớn, đổ thêm nước vào chảo, gia giảm thêm ít rau cỏ dại, đun riu riu một lúc cho nước hơi sôi lên.
Đợi đám bắt ếch đi xuống hết, họ mới thêm củi lửa, đun nước sôi sùng sục, bắt mấy con ếch béo còn đang giãy đành đạch, rồi cũng chẳng lột da làm thịt , cứ thế ném thẳng vào chảo nước sôi, rồi nhanh tay đậy chặt vung lại. Lúc ấy liền nghe tiếng bọn ếch trong chảo lục đà lục đục, một lát sau, nước lại sôi lên sùng sục, trong chảo bộc lên mùi thơm nức mũi, mở nắp chảo thấy bọn ếch đã bị luộc chín, con nào con nấy phùng mang trợn mắt ôm chặt lấy một miếng khoai tây hoặc củ cải. Cũng bởi những con ếch bị luộc sống, trước khi chết đau đớn, khổ sở vô cùng, chỉ còn cách ôm chặt lấy khoai tây, củ cải, đến chết cũng không buông.
Bọn người làng ăn ếch hầm, thường vẫn hay dùng cái cách tàn nhẫn này. Họ vớt con ếch nóng hôi hổi trong chảo ra, cắn miếng ếch cùng với khoai tây và củ cải nó đang ôm chặt, mùi vị thơm ngon còn hơn cả thịt gà tơ. Cả mấy năm nay trời không mưa lớn, lại gặp đúng kỳ giáp hạt, bình thường một ngày hai bữa, đến củ cải, khoai tây cũng không đủ no. Dân làng đã lâu không được ăn tười, ngửi thấy mùi thịt thơm, đều chảy hết cả nước dãi, ăn ngấu ăn nghiến, một lắt đã sạch nhẵn.
Đám ngu dân coi chuyện lên núi bắt ếch sau mưa như ngày hội được mùa, mà đâu biết đến lẽ trời tuần hoàn, báo ứng chẳng sai chẳng sót, hẵng tạm chưa bàn đễn cái nhẽ nhân quả, sâu xa ở bên trong “đời này người ăn ếch, kiếp sau ếch ăn thịt người”, trước mắt tai họa tày trời sắp giáng xuống mà đám người làng vẫn mải mê ăn uống, đâu biết rằng kiếp nạn này sẽ không ai thoát nổi.
Trương Tiểu Biện và đám Tôn Đại Ma Tử ai nấy no căng, hương vị bữa ăn hồi lâu sau vẫn còn đọng lại trong mồm, cảm tưởng như người sống trên cõi đời này nếu ngày nào cũng được xơi bữa ếch hầm thì sống cũng chẳng uổng phí, thấy sắc trời đang đẹp, cả đám liền xoa tay xoa chân đi lên lần nữa, định bụng bắt sạch bọn ếch đang trốn trong hõm núi.
Phía sau núi Úng Trủng là một vùng hoang vu. Lũ quét đi qua, nước lớn từ trên núi đổ xuống nhánh chính của dòng sông đầy bùn, còn những con lạch khác thì chẳng có chút nước nào, giờ bên trong khe núi ngập đầy bùn lầy, bùn lầy hòa lẫn với cỏ nát ngập quá gối, bước đi bước nào là trơn bước ấy, chẳng tìm đâu ra chỗ nào đặt chân. Mọi ngườivất vả tiến bước, đi vòng qua khe núi, thấy trước mắt hiện ra một khe lạch lớn đầy bùn, “rãnh Mỹ Nhân” trong truyền thuyết chính là đây rồi. Nghe đồn, trong đám bùn lầy nước đọng có một cỗ cương thi thành tinh. Lúc bấy giờ tuy mặt trời đang trên đỉnh con sào, song đứng cạnh rãnh sâu trong khe nũi hoang này, người ta vẫn cảm thấy khí âm rờn rợn, hơi tanh xộc vào mũi.
Chỉ thấy trong rãnh có rất nhiều bùn lầy do cơn lũ vừa quét qua để lại, vô số ếch lớn ếch bé chồng chất bên trong, không dưới mấy vạn con. Dưới ánh mặt trời, bọn ếch lúc nhúc trong hố khiến người ta phải sởn da gà. Đám Tôn Đại Ma Tử hết sức vui mừng, chuyến này được vố hời rồi, ai nấy đều chỉ e số bao gai không đủ chứa hết bấy nhiêu ếch mà thôi.